Chúng ta

Đại học FPT tiến bước: Tuyển sinh, học bổng và học phí

Thứ sáu, 24/11/2006 | 17:25 GMT+7

Hai tháng nay, sự kiện ĐH FPT thành lập, hoạt động, tuyển sinh...tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dưới con mắt của các nhà báo, quan điểm của từng tờ báo, sự kiện được nhân hóa, biến đổi trăm màu. Lúc thì "ĐH FPT - hướng đi mới", lúc là "ĐH FPT, tự chủ hay không?", khi thì "FPT xé rào hay không muốn tồn tại trong rào?".... "Bà con", những người quan tâm, bị xoay trong guồng xoáy của các luồng thông tin, "chẳng biết đâu mà lần". Người FPT biết gì về ĐH FPT?


ĐH Tư thục FPT đã chính thức được thành lập sau quyết định số 208/2006/QĐ-TTg ngày 08/09 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đến, ngày 15/11, ĐH FPT đã được đồng ý của Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh 500 chỉ tiêu năm 2006.

Đào tạo gì?

Rất nhiều người quan tâm đến những nội dung mà ĐH FPT sẽ đào tạo. Với "cái giá" 2,800 USD/năm tiền học phí, bất cứ phụ huynh nào cũng phải cân nhắc kỹ càng trước khi mở hầu bao "đầu tư cho tương lai".

Anh Nguyễn Xuân Phong cho biết: "Bằng của Đại học FPT nằm trong hệ thống văn bằng quốc gia của Việt Nam, cấp theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Chương trình đào tạo và chất lượng đào tạo tuân thủ theo những chuẩn đã được quốc tế thừa nhận. Trường Đại học FPT xây dựng chương trình đào tạo và quá trình đào tạo theo các chuẩn nội dung của ACM, ITSS và chuẩn chất lượng của ABET. Đây là những chuẩn cao cấp nhất về đào tạo cho ngành CNTT và đang được áp dụng ở nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới".

Theo đó, chương trình của Trường được giảng dạy trong 4 năm và được giảng dạy bằng ngoại ngữ (trừ phần các môn khoa học xã hội và một số môn cơ bản). Trong khóa I, Trường ĐH FPT sẽ đào tạo chuyên ngành Kỹ nghệ phần mềm với 2 khối: tiếng Anh và tiếng Nhật. ĐH FPT đã và sẽ hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn CNTT lớn nhất thế giới để đưa các giáo trình công nghệ của họ vào giảng dạy tại Trường. Vừa qua, FPT đã ký thỏa thuận về việc này với tập đoàn Microsoft trong hội nghị APEC 14.

Được biết, trong giai đoạn hai năm tới, ĐH FPT sẽ tập trung đào tạo các ngành CNTT như Kỹ nghệ phần mềm, Kỹ nghệ máy tính, Hệ thống thông tin…. Ngoài ra, Trường sẽ đào tạo một số ngành liên quan mang tính hỗ trợ như quản trị kinh doanh, đặc biệt là quản trị công nghệ và quản trị kinh doanh trong các ngành công nghệ cao. Những ngành công nghệ cao khác như kỹ thuật nano, công nghệ sinh học… là mục tiêu trong tương lai.

Đại học FPT có định hướng công việc rõ ràng nên các kỹ năng thực hành của sinh viên đặc biệt được chú trọng. Việc thực hành trong môi trường thực hay gần giống thực sẽ tiến hành thường xuyên trong các kỳ thực tập tại các công ty hay các xưởng thực hành của trường. Tỷ lệ thực hành có giảng viên hướng dẫn chiếm khoảng 1/2 thời lượng làm việc với giảng viên, không kể các giờ thực hành độc lập.

Giảng viên của Trường được tuyển chọn theo một quy trình nghiêm túc, khắt khe, được yêu cầu phải luôn luôn cập nhật kiến thức và tham gia các kỳ thi, đồng thời chấp nhận sự đánh giá thường xuyên của Hội đồng khoa học và sinh viên. Riêng các giảng viên chuyên ngành phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm thực tế tại các công ty CNTT lớn. Nguồn cung cấp giảng viên và trợ giảng chính sẽ là Tập đoàn FPT với hàng trăm chuyên gia CNTT hàng đầu Việt Nam. Dự kiến, Trường sẽ có giảng viên nước ngoài dạy ngoại ngữ ngay từ năm đầu tiên.

Cơ sở vật chất ra sao?

Trụ sở chính thức của Trường sẽ được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, là một quần thể đại học hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế với các khu học tập, sinh hoạt, thể thao, giải trí để đáp ứng cho 20,000 sinh viên và chuyên gia trên một diện tích 100 ha. Giai đoạn 1 sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2008 đủ chỗ học tập và sinh hoạt cho 5,000 sinh viên. Kế hoạch phát triển cơ sở đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng đã được xây dựng và đang trong lộ trình. Tạm thời trong hai năm đầu tiên, Trường tổ chức hoạt động tại cơ sở tòa nhà Detech, 15B Phạm Hùng, Mỹ Đình, Hà Nội với cơ sở vật chất đủ cho 1,800 sinh viên theo học.

Tuyển sinh như thế nào?

Năm 2006, ĐH FPT được phép tuyển sinh khóa đầu tiên với 500 chỉ tiêu. Theo chuẩn chung, ĐH FPT quy định đối tượng tuyển sinh là những học viên đã đạt trên điểm sàn kỳ thi đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức. Đối tượng đang là sinh viên hay đã tốt nghiệp đại học được dự thi đầu vào với điều kiện là sinh viên hệ chính quy (tức là đã đảm bảo tối thiểu điều kiện trên điểm sàn). Khi nộp giấy tờ, sinh viên đó phải chứng minh điểm thi đại học của mình (bất kỳ giấy tờ nào có khả năng xác nhận một cách trực tiếp hoặc gián tiếp kết quả thi đại học). Thêm nữa, trước khi nhập học, thí sinh sẽ phải viết giấy cam đoan: Chấp nhận bị đình chỉ học tập, không trả lại học phí nếu khai báo không chính xác và bị trường phát hiện. Tuy nhiên, khi vào học, những sinh viên đã học các môn khoa học xã hội như Triết học Mác - Lê nin, Tư tưởng HCM, …theo chương trình quy định của Bộ sẽ được miễn giảm khi theo học tại Đại học FPT.

DSC_0286.jpg111111111111111.jpg

Khi thi đầu vào, Trường sẽ chỉ chấp nhận việc ưu tiên theo khu vực khi xét điều kiện dự thi. Về nguyên tắc, Trường sẽ có những ưu tiên cho các thí sinh gia đình chính sách. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Trường chưa có quyết định chính thức về mức độ và đối tượng ưu tiên nên chưa thể công bố chính thức. Chính sách hiện hành đang được áp dụng chỉ cho các trường công lập vì được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Quy trình tuyển sinh đầy đủ của Đại học FPT bao gồm trắc nghiệm Toán, Tư duy logic, viết luận và phỏng vấn. Trong năm 2006, do tổ chức thi muộn, trường quyết định chỉ tổ chức thi trắc nghiệm Toán cho những đối tượng đã đạt trên điểm sàn kỳ thi đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức. Những đợt thi sau sẽ dành cho tất cả các đối tượng thí sinh.

Có 4 đối tượng được xét tuyển thẳng vào Trường ĐH FPT, bao gồm: Thành viên ĐTQG dự thi các kỳ thi Olympic quốc tế các môn Toán, Lý, Hóa, Tin học; Học sinh giỏi đoạt giải Nhất, Nhì các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn Toán, Lý, Hoá, Tin học năm học 2005-2006; Thí sinh đạt điểm thi (sau khi cộng ưu tiên khu vực) từ 27 điểm trở lên với khối A và 26 điểm trở lên với khối D trong kỳ thi ĐH năm 2006; thí sinh đạt điểm thi từ 24-26,5 điểm với khối A và 24-25,5 điểm với khối D trong kỳ thi đại học năm 2006. Ba đối tượng xét tuyển thẳng đầu tiên sẽ có cơ hội nhận được 50 suất học bổng toàn phần trị giá hơn 11,000 USD/suất, căn cứ vào kết quả xét tuyển bài luận và phỏng vấn.

Hồ sơ tuyển sinh được phát tại các cơ sở của Trường tại Hà Nội và thành phố HCM hoặc có thể tải về từ website http://www.fpt.edu.vn của Trường.

Thí sinh khi đăng ký dự thi tại Đại học FPT sẽ được phát tài liệu hướng dẫn thi tuyển. ĐH FPT xác nhận không phát hành bất cứ một tài liệu ôn thi nào khác. Thí sinh có thể tham khảo thêm một số dạng bài thi tương tự trong phần Toán, Logic từ các tài liệu luyện thi GMAT, GRE hoặc SAT.

Hỗ trợ gì cho sinh viên?

Học phí của Đại học FPT ở mức 11,200 USD cho cả khoá học 4 năm. Học phí này là khá cao so với học phí của các trường ĐH Việt Nam, tuy nhiên chỉ bằng 1/2 mức học phí của các ĐH nước ngoài tại Việt Nam.

Hỗ trợ cho sinh viên ngay từ ngày đầu đi học, thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn là đối tượng tham gia “Chương trình tín dụng ưu đãi”, vay học phí bằng tín chấp với lãi suất ưu đãi, trả góp sau khi tốt nghiệp đi làm. Các mức tín dụng được xét duyệt từ 30% đến 90% mức học phí của cả khoá học. Trường đã ký thoả thuận với Ngân hàng BIDV để bảo lãnh cho vay học phí, trả dần sau khi đi làm với các thí sinh gia đình không có điều kiện. Nội dung chi tiết của chương trình có thể xem trên website http://www.fpt.edu.vn của Trường hoặc được tư vấn cung cấp tại các địa điểm tuyển sinh.

Tạm thời trong 2 năm đầu, ĐH FPT đang xây dựng cơ sở chính thức, sinh viên sẽ phải chủ động trong vấn đề chỗ ở.

Anh Nguyễn Xuân Phong khẳng định: "Toàn bộ sinh viên khoá I của Đại học FPT được đảm bảo việc làm tại Tập đoàn FPT với mức lương khởi điểm tối thiểu từ 200-400 USD tùy thuộc kết quả học tập".

Mục tiêu đào tạo của Đại học FPT là tạo cơ hội việc làm cho sinh viên không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Tùy thuộc khả năng cá nhân và sự lựa chọn chuyên ngành hẹp trong quá trình học tập, tốt nghiệp xong, sinh viên có thể đảm nhiệm các vị trí khác nhau trong một doanh nghiệp CNTT hoặc các doanh nghiệp lớn ứng dụng CNTT.

Địa điểm tư vấn và tuyển sinh:

1. Tại Hà Nội: Tòa nhà Đại học FPT, số 15B đường Phạm Hùng. ĐT: (04) 768-77-17.

2. Tại TP HCM: Học viện quốc tế FPT, 590 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3. ĐT (08) 846-08-08.

Website chính thức của Trường ĐH FPT: http://www.fpt.edu.vn.

Đợt thi tuyển năm 2006:

ĐH FPT sẽ tổ chức thi tuyển 1 đợt vào ngày 09/12. Tính đến ngày 21/11/2006, Ban tuyển sinh Trường ĐH FPT cho biết, đã có gần 4000 thí sinh đăng ký dự tuyển. Trong đó, truờng đã nhận 87 bộ hồ sơ xin học bổng từ các thí sinh. Các ứng viên đăng ký học bổng sẽ phải viết một bài luận theo thể thức tự do vào ngày 29/11 và trải qua một kỳ phỏng vấn vào ngày 01/12 để quyết định người nhận được một trong 50 suất học bổng toàn phần trị giá 11.200 USD. Hạn cuối cùng nhận hồ sơ là ngày 08/12/06.

Cũng theo Hội đồng tuyển sinh, ngày 04/01/2007, ĐH FPT sẽ chính thức khai giảng khóa đầu tiên.

Ý kiến

()