Chúng ta

Những người ít ngủ nhất FPT

Thứ sáu, 12/1/2007 | 10:21 GMT+7

“Anh, chị vào đâu? gặp ai?” luôn là câu thường trực của những nhân viên bảo vệ FPT. Nhiều lúc họ tự hỏi, tại sao mình cứ xắn quần lội vào đời tư của khách, nhưng họ không thể hỏi những câu khác, đơn giản đó là... công việc.


Nghề lo lắng

Thử tưởng tượng trụ sở đầu não như HO, hoành tráng, khang trang như tân gia FIS… một ngày có bao nhiêu lượt người ra vào. Nguyên trông, xếp xe, kiểm vé đã chiếm của nhân viên bảo vệ rất nhiều calo, không kể còn phải trông nom, bảo vệ cơ sở vật chất đồ sộ của Công ty trong mỗi tầng nhà. Chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể dẫn tới hậu quả, nhẹ thì bị khách thăm “âu yếm” tặng cho vài cái nguýt, nặng thì thất thoát tài sản, không những phải đền, thậm chí có nguy cơ mất việc.


Ở HO có 5 nhân viên bảo vệ thay phiên nhau làm việc 12h một ngày, chia làm hai ca sáng và tối (từ 7h – 18h30, 18h30 – 7h); 15 ngày lại thay ca gác một lần. Ban ngày, ô tô, xe máy đông nghìn nghịt. Trong sân bãi không đủ, họ phải vất vả phân bổ, phát vé, xếp xe... Khách nào cũng muốn được việc hoặc do vội nên phóng ào vào trụ sở, hoặc đòi hỏi chỗ gửi xe. Không được thì quở trách bảo vệ. Bảo vệ FPT lúc ấy lại phải nhẹ nhàng giải thích, nhưng người nghe nào có thông cảm. Thông thường một ca gác chỉ có hai người. Ban đêm vắng vẻ, cô đơn, lại có nguy cơ cao về cháy nổ, mất trộm tài sản… Anh Giang Văn Thắng, đội trưởng đội bảo vệ HO, cho biết: “Cách đây 10 năm, nhà cửa, kho tàng của FPT chưa khang trang, đồ sộ như bây giờ. Lúc ấy ít người cũng có thể làm được, chứ bây giờ 2 người một ca gác, chúng tôi làmkhôngxuể. Không tính các trụ rào của Công ty chưa thật kiên cố lắm, trộm có thể nhảy vào được. Vì thế ban đêm anh, em không dám ngủ, chốc chốc lại cầm đèn dạo vài vòng cho trộm nó…sợ”. Tuy nhiên, đã có trường hợp anh, em chỉ sơ xuất một chút, xe đã không cánh mà bay. Tất nhiên, Công ty phải đứng ra đền cho người mất xe, còn nhân viên bảo vệ gác ca ấy bị… trừ vài tháng lương.


Công việc của bảo vệ gắn liền với những chiếc vé. Nhờ chiếc vé mà công việc được kiểm soát dễ hơn. Nguyên tắc là, khách vào đưa vé, khách ra trả vé mới được đi. Có vài trường hợp bảo vệ quen, lấy xe ra bảo “Cháu đi chút rồi về”. Lúc sau quay lại hỏi “xe cháu đâu?” và trên tay cầm lăm lăm chiếc vé. Bảo vệ lúc ấy chịu chết. Rất may "người đòi xe" ấy còn nhớ ra là anh ta để quên xe bên ngân hàng khi đi rút tiền. Có lần, nửa đêm anh BảoĐC gọi điện đến nhờ bảo vệ HO gửi chiếc xe đang ở FPT sang địa điểm khác. Các anh "OK" nhưng khi ra nhà xe thì không thấy xe của sếp đâu. Gọi điện cho anh Bảo, anh một mực cho rằng mình đã để ở bãi. Kiểm tra khay vé thì thấy đã có vé xe của anh. Đúng lúc ấy anh Bảo mới nhớ ra: sáng đi uống café nên để xe lại quán. Thế là anh em bảo vệ phải sang quán café khệ nệ khiêng xe về.

Mang "biệt danh"bỏ vợ

Anh Giang Văn Thắng, có thâm niên 12 năm làm bảo vệ ở FPT, tếu táo rằng, nhân viên bảo vệ là những người “bỏ vợ”. Một năm nhân viên FPT được nghỉ khoảng 20 ngày phép. Nhân viên bảo vệ ít khi được nghỉ trọn vẹn những ngày phép ấy. Bởi nếu các anh nghỉ thì Công ty lại phải tăng cường người. Hiện nay, trung bình một đội bảo vệ có khoảng 5 người, nhưng chỉ có 4,5 người làm trực tại bốt, một người luôn phải cơ động. Một ngày nhân viên bảo vệ có 12h làm việc, nhưng sau 15 ngày đổi ca lại có một người làm việc 24/24h. Anh Nguyễn Như Tiến, bảo vệ HO, tâm sự: “Do công việc nên hoạt động thường xuyên của chúng tôi với FPT là tham gia vào ngày thành lập Công ty 13/09. Lúc ấy anh, em bảo vệtham gia phục vụ công tác hậu cần như loa đài, phông màn”.


Hình thức giải lao phù hợp với tính chất công việc nhất của các anh là “buôn dưa lê”. Ban đêm ít việc thì còn có cái ti vi giải khuây. “Nói vậy chứ tai nghe ti vi, miệng nói chuyện mà mắt vẫn phải nhìn bao quát xung quanh”, anh Tiến cho biết.


Tâm sự về công việc, anh Thắng nói: “FPTcho chúng tôi một cuộc sống tương đối ổn định. Văn hoá, con người FPT tốt, anh em sống với nhau rất trọng tình, tôi muốn được tiếp tục làm việc, cống hiến, làm nhiều cái mình có thể làm được”. Anh Thắng đề nghị, mọi người hãy hợp tác với nhân viên bảo vệ trong việc nhận và kiểm soát vé để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra. Hiện tại, anh, em bảo vệ mong chờ đến đêm tất niên, khi giao thừa đến, mở cửa cho sếp xông đất, nhận tiền mừng tuổi, uống rượu mừng năm mới và cười vui như tết.

Ý kiến

()